Các lỗi thường gặp trong quá trình sử dụng máy nén khí - Thế giới điện máy Công Nghiệp - Gia Đình

Các lỗi thường gặp trong quá trình sử dụng máy nén khí


Việc sử dụng máy nén khí không tránh khỏi việc gặp một số trục trặc trong quá trình sử dụng, những trục trặc đó sẽ gây khó khăn cho người dùng cũng như làm giảm hiệu quả công việc của toàn bộ hệ thống. Vậy để có thể hiểu và có khắc phục được những lỗi đơn giản giúp công việc của bạn thêm trôi chảy hơn hãy cùng nhau tham khảo qua nội dung bài viết dưới đây về các lỗi thường gặp trong quá trình sử dụng máy nén khí và cách khắc phục.

Máy nén khí tự động ngắt khi đang vận hành


- Máy bơm khí nén tự ngắt do lỗi bình bơm hơi:
Các lỗi ở bình bơm hơi phổ biến nhất là rò rỉ tại các ống dẫn, van cấp hoặc là do đồng hồ đo áp suất hoạt động bị sai.
Những vấn đề này đều có thể dẫn tới hiện tượng máy tự ngắt hoặc hoạt động liên tục mà không tự ngắt được. Bạn cần kiểm tra khắc phục hoặc thay thế đường ống, bộ phận van cấp khí, đồng hồ đo áp suất.
- Máy nén không khí tự ngắt do bộ phận rơ le bị lỗi:
Rơ le điện là một bộ phận đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo quá trình hoạt động của hệ thống diễn ra an toàn và ổn định, tiết kiệm hơn.
Khi giá trị áp suất trong bình khí nén đạt tới một mức độ nhất định thì rơ le sẽ tự ngắt dòng điện, khi đó động cơ của máy nén sẽ ngừng hoạt động.
Rơ le tự ngắt có chức năng ngắt máy khi áp suất trong bình chứa đạt tới giới hạn và đóng lại khi áp trong bình bị tụt xuống để động cơ máy nén khí tiếp tục hoạt động.
Trong trường hợp rơ le tự ngắt gặp lỗi đóng quá sớm thì người sử dụng chỉ cần phải kiểm tra lại rơle này. Nếu thiết bị này bị lỗi bạn cần thay thế hoặc sửa chữa hoặc điều chỉnh rơ le theo áp suất có trong bình nén để có thể giúp máy nén hơi có thể hoạt động bình thường.

Máy nén khí có hoạt động nhưng không lên áp suất

Trong quá trình hoạt động máy nén khí có thể gặp phải tình trạnh máy chạy không tải tức là không nén khí. Khi đó bạn cần xem xét:
– Kiểm tra nguồn điện cấp đến van điện từ máy nén khí.
– Kiểm tra xem van hút có mở không trong khi máy nén khí chạy.
– Kiểm tra cuộn dây điều khiển van điện từ hoặc cơ cấu chấp hành hoạt động của van điện từ còn hoạt động không?
Kiểm tra các van đường khí vào và đường khí ra có bị hỏng, bị tắc, bị bẩn không ? cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh bảo dưỡng chúng

Máy nén khí hao dầu bôi trơn

Khi người sử dụng các loại máy nén khí mà gặp hiện tượng dầu bôi trơn ở đầu máy bị hao nhanh hơn so với bình thường cần kiểm tra các lỗi sau
– Kiểm tra các vị trí dễ dò rỉ dầu như các mối nối, các phớt chắn dầu, các van...
– Kiểm tra xem bạn đã dùng dầu máy nén khí đúng chủng loại hay chưa,  hoặc dầu bôi trơn có đủ chất lượng, độ pha hay chưa, có phù hợp cho sự chuyển động của quả nén piston với tốc độ cao và nhiệt độ lớn hay không?
Biện pháp khắc phục là bạn có thể  rút hết dầu cũ ra và thay thế dầu mới đúng chủng loại và chuyên dụng cho dòng máy nén khí mà bạn đang sử dụng.
– Kiểm tra xem bộ phận chứa dầu có bị vỡ, rạn nứt hay không. Với lỗi này bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu thực sự bị như vật bạn có thể đưa tới những tiệm sửa chữa, hàn xì để khắc phục lỗi này
– Kiểm tra xem xi lanh máy nén khí có bị xước hay mòn không đồng đều không, nếu thực sự bị thì điều đó sẽ tạo khe hở để dầu máy nén thoát ra ngoài gây hiện tượng hao dầu máy. Khi đó bạn cần thay thế xilanh hoặc đầu máy nén khí mới.
– Nhiệt độ máy nén khí piston quá cao cũng là lý do làm cho dầu máy nén khí bị loãng ra, dẫn đến việc làm tiêu hao lượng dầu lớn hơn để bôi trơn quá trình hoạt động của máy.

Máy nén khí bị dừng do lỗi nhiệt độ cao:

Đây là lỗi thường gặp nhất đối với máy nén khí nhất là trong mùa hè. Các nguyên nhân gây nên lỗi này gồm:
– Mức dầu máy nén khí dùng để bôi trơn và làm mát quá thấp.
– Dàn làm mát dầu bôi trơn máy nén khí quá bẩn.
– Quạt làm mát máy nén khí không hoạt động.
– Van điều khiển nhiệt độ dầu (chia nhiệt) máy nén khí không hoạt động.
– Sử dụng sai loại dầu máy nén khí.
– Dầu bôi trơn máy nén khí quá bẩn hoặc bị tắc ở 1 điểm nào đó.
– Nhiệt độ môi trường xung quanh phòng máy nén khí trục vít quá cao hoặc việc lưu thông giữa gió tươi và gió nóng trong phòng máy không thích hợp.

Rơle bảo vệ quá tải

Đây là một trong các lỗi cũng thường xuyên xảy ra khi đó bạn nên:
– Kiểm tra xem có quay được đầu hoặc động cơ bằng tay không ? Nếu không thể thì chứng tỏ đầu nén khí bị kẹt, bị bó hoặc vòng bị đầu nén bị vỡ, hỏng cần tiến hành bảo dưỡng thay thế.
– Kiểm tra điện áp và dòng điện ở tất cả 3 pha
– Kiểm tra độ cách điện giữa các cuộn dây động cơ điện. Nếu độ cách điện thấp hơn 10 MΩ thì người sử dụng cần liên lạc với nhà cung cấp máy nén khí để tiến hành bảo dưỡng, điều chỉnh.
– Kiểm tra nguồn cấp điện áp khi máy nén khí đang chạy, nếu trường hợp điện áp bị sụt áp 10% khi máy nén khí chạy có tải, khi đó cần kiểm tra dây dẫn điện có đủ khả năng chịu tải hoặc kiểm tra các mối nối để chắc chắn rằng tất cả các điểm tiếp xúc đều kết nối chắc chắn.

Trên đây là tổng hợp một số các nguyên nhân cơ bản và cách khắc phục các lỗi đó giúp bạn có thể tự mình thao tác để quá trình hoạt động của thiết bị này đạt đươc hiệu quả tốt hơn. Chúc các bạn may mắn.


Share on Google Plus

About Yên Phát VN